Hệ thống văn bằng Úc

Hệ thống văn bằng Úc

Hệ thống văn bằng Úc

Hệ thống AQF cho phép học sinh chuyển cấp hoặc chuyển trường một cách dễ dàng miễn là thỏa mãn các yêu cầu về thị thực du học. Điều này giúp sinh viên có được sư lựa chọn và linh động trong việc lên kế hoạch cho sự nghiệp. Tất cả các văn bằng trong hệ thống AFQ giúp sinh viên chuẩn bị cho việc học lên tiếp cũng như trong môi trường làm việc sau này.

Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Phổ Thông và Chứng Chỉ Nghề I-IV: Học sinh  có thể ghi danh học Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Phổ Thông tại một trường chuyên nghiệp & đào tạo

Cả đại học lẫn các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp & đào tạo đều có các khóa học ở trình độ Văn Bằng Chuyên Nghiệp (Diploma) và Văn Bằng Chuyên Nghiệp Cao Cấp (Advanced Diploma)

Các trường đại học và các trường cao đẳng có thể cấp các Chứng Chỉ Nghề I-IV

Các trường đào tạo và dạy nghề có thể liên kết với các trường đại học để cung cấp các khóa học ở trình độ Cử Nhân cũng như Chứng Chỉ và Văn Bằng Hậu Ðại Học (Degree, Graduate Certificate and Graduate Diploma)

Học tập các bằng cấp AQF có thể giúp học sinh chuyển tiếp đến các bằng cấp hoặc chứng nhận được quốc tế công nhận. Những bằng cấp hay chứng nhận này thường có tính cách kỹ nghệ chuyên môn.

Các Loại Chứng Chỉ Trung Học Phổ Thông

Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Trung Học Phổ Thông (hai năm cuối bậc trung học)

Một số trường phổ thông có giảng dạy và cấp các Chứng Chỉ Nghề I-IV.

Chương trình giảng dạy bao gồm các môn học phổ thông và các khóa huấn nghệ nhằm chuẩn bị cho a các trường đại học, hoặc tiếp tục theo đuổi các chương trình đào tạo hay tìm kiếm việc làm. Học sinh, ngoài việc dự lớp, còn phải làm các bài kiểm tra quy mô và tham dự các kỳ thi chính thức. Ngoài ra học sinh cũng có thể làm một số bài kiểm tra chung. Tùy theo mỗi môn, học sinh có thể cần vận dụng kỹ năng, chứng tỏ sự hiểu biết, hoặc tham dự các hoạt động như biểu diễn, làm đề án, hoạt động theo nhóm hoặc đi thực tập. 

Du học sinh có thể ghi danh theo học ở bất cứ trình độ giáo dục phổ thông nào như tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông v.v… Tuy nhiên chỉ hai năm cuối của bậc trung học (nhằm hoàn tất Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Trung Học Phổ Thông) là nằm trong hệ thống AQF. Một số trường trung học tại Úc đào tạo học sinh theo các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm cả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc tế (International Baccalaureate). 

Tại mỗi Tiểu Bang và Lãnh Thổ, Bằng Tốt Nghiệp Trung Học Phổ Thông được gọi bằng một số tên khác nhau:

Các loại Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Trung Học Phổ Thông tại Úc
Australian Capital Territory (ACT) ACT Year 12 Certificate
New South Wales (NSW) Higher Education Certificate (HSC)
Northern Territory (NT) Northern Territory Certificate of Education (NTCE)
Queensland (QLD) Senior Certificate
South Australia (SA) South Australian Certificate of Education (SACE)
Tasmania (TAS) Tasmanian Certificate of Education (TCE)
Victoria (VIC) Victorian Certificate of Education (VCE)
Western Australia (WA) WA Certificate of Education

Các loại văn bằng đào tạo và dạy nghề

Các loại bằng cấp do các cơ sở giáo dục dạy nghề và đào tạo bao gồm các Chứng Chỉ Nghề I-IV, Văn Bằng Chuyên Nghiệp và Văn Bằng Chuyên Nghiệp Cao Cấp (Certificate I-IV, Diploma và Advanced Diploma)

Chứng Chỉ Nghề cấp I – Certificate I (4-6 tháng)

Chứng Chỉ Nghề cấp I chuẩn bị cho học sinh đảm trách một số hoạt động có tính cách thông lệ và được định rõ rệt. Các ứng dụng của Chứng Chỉ Nghề cấp I bao gồm một số các kỹ năng có liên quan đến công việc kể cả kỹ năng truy tìm và tham gia, các kỹ năng hướng dẫn bao quát và có thể bao gồm các kỹ năng trong môi trường làm việc theo nhóm.

Chứng Chỉ Nghề cấp II – Certificate II (6-8 tháng)

Chứng Chỉ Nghề cấp II trang bị cho học sinh kiến thức và những kỹ năng chuyên môn để có thể thực hiện một số công việc khác nhau, hoặc giúp học sinh áp dụng kiến thức trong những tình huống nhất định và mỗi tình huống đều có một số chọn lựa được xác định rõ rệt. Học sinh sẽ phải chịu trách nhiệm phần nào về chất lượng kết quả thực hiện. Các ứng dụng có thể bao gồm một số công việc phức tạp hoặc các công việc mới lạ đòi hỏi trách nhiệm của mỗi cá nhân có thể được thể hiện qua tinh thần làm việc đồng đội.

Chứng Chỉ Nghề cấp III – Certificate III (12 tháng)

Chứng Chỉ Nghề cấp III trang bị cho học sinh một khả năng chuyên môn và kiến thức sâu rộng trong việc chọn lựa, thích nghi và đem kiến thức cũng như các kỹ năng chuyên môn sang ứng dụng trong các môi trường mới. Học sinh cũng có khả năng đưa ra những ý kiến chuyên môn và có thể đứng ra giải quyết một số vấn đề trong một số môi trường làm việc khá phức tạp đi đôi với những giải pháp khác nhau.

Học sinh sẽ đủ khả năng thực hiện một số thao tác chuyên môn. Các thao tác này thường nằm trong các hoạt động bao quát hơn, có liên quan đến các tập quán, phương pháp và thủ tục làm việc. Học sinh sẽ phải vận dụng ít nhiều khả năng phán đoán và quyết định trong trường hợp phải lựa chọn thiết bị, dịch vụ cũng như các biện pháp phòng hờ trong một thời gian nhất định. Các ứng dụng có thể bao gồm việc nhận lãnh trách nhiệm chung. Học sinh có thể thực tập theo đội và được giao trách nhiệm phối hợp một số hoạt động của nhóm hoặc đội.

Chứng Chỉ Nghề cấp IV – Certificate IV (12-18 tháng)

Chứng Chỉ Nghề cấp IV trang bị cho học sinh một khả năng chuyên môn và kiến thức sâu rộng bao gồm nhiều hoạt động khác nhau trong những tình huống phức tạp và không theo một tập quán nhất định. Học sinh có thể chứng tỏ khả năng lãnh đạo và hướng dẫn bản thân cũng như người khác, và đồng thời có khả năng đưa ra hướng giải quyết chuyên môn cho các vấn đề không theo tập quán thông thường hoặc trong những tình huống bất ngờ.

Học sinh cũng phải chứng tỏ khả năng thi hành phận sự trong công việc đòi hỏi những ứng dụng chuyên môn khác nhau như đánh giá và phân tích các tập quán làm việc hiện thời, phát triển các tiêu chuẩn và phương pháp làm việc mới cho những công việc hiện tại. Ngoài việc chứng tỏ khả năng lãnh đạo và hướng dẫn, học sinh còn phải nhận lãnh trách nhiệm cho những người khác và chứng tỏ một số khả năng chuyên môn trong việc tổ chức.

Văn Bằng Chuyên Nghiệp – Diploma (18-24 tháng)

Một số trường đại học cũng mở các khóa học cho trình độ Văn Bằng Chuyên Nghiệp.

Chương trình học trang bị cho học sinh các kiến thức và khả năng chuyên môn sâu rộng trong các lãnh vực như đặt kế hoạch, đề xướng các phương thức mới cho việc ứng dụng kỹ năng chuyên môn hay kiến thức nhằm thỏa mãn các yêu cầu về quản lý và/hoặc chuyên môn. Ngoài ra học sinh còn được trang bị khả năng và kiến thức sâu rộng trong lãnh vực đánh giá và điều phối. Các học sinh tốt nghiệp Văn Bằng Chuyên Nghiệp sẽ có đủ khả năng để tự áp dụng kiến thức và kỹ năng chuyên môn trong một số lãnh vực đòi hỏi phải có trình độ cao, tức là trình độ mà học sinh có thể phán đoán khi cần phải hoạch định và chọn lựa trang thiết bị, các dịch vụ và các kỹ thuật thích hợp. Trong thời gian học, học sinh sẽ tham gia vào việc phát triển các chiến lược đề xướng, nhận lãnh trách nhiệm cá nhân và tự mình thực hiện các hoạt động chuyên môn và phức tạp, hoặc sắp xếp, tổ chức công việc cho người khác. Học sinh cũng tham gia các công việc có tính cách thường xuyên, tham dự việc lên kế hoạch và đánh giá theo từng nhóm từng đội và đôi khi làm công tác phối hợp nhóm.

Văn Bằng Chuyên Nghiệp Cao Cấp – Advanced Diploma (2-3 năm)

Một số trường đại học cũng mở các khóa học cho trình độ Văn Bằng Chuyên Nghiệp Cao Cấp.

Chương trình học trang bị cho học sinh các kiến thức và khả năng chuyên sâu cho việc phân tích, chẩn đoán, thiết kế, lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá đối với các chức năng có liên hệ về mặt quản lý và/hoặc chuyên môn. Học sinh cũng học hỏi các kỹ năng chuyên môn như ấn định các tiêu chuẩn, ứng dụng, kiến thức hoặc các thủ tục mới. Học sinh sẽ được học cách áp dụng những nguyên tắc cơ bản, những kỹ thuật phức tạp có liên hệ đến những chức năng chuyên biệt hoặc khác nhau trong những tình huống thay đổi. Ngoài ra học sinh còn tham gia vào việc khai triển kế hoạch tổng quát, ngân sách hay chiến lược. Học sinh cũng học hỏi để biết rõ phận sự và nhận trách nhiệm thực hiện mục tiêu cho chính bản thân và người khác.

 

Các loại văn bằng đào tạo và dạy nghề

Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Nghề (Vocational Graduate Certificate)

Một số trường đại học cũng tổ chức những khóa Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Nghề.

Khóa học này có liên quan đến việc tự phát triển và đạt được những kiến thức và kỹ năng trong các lãnh vực bao quát hoặc chuyên biệt dựa vào những kiến thức và kỹ năng đã có sẵn.

Chương trình có liên quan đến bề rộng, chiều sâu và sự phức tạp của các chức năng kỹ thuật và/hoặc quản lý, bao gồm các giai đoạn khởi đầu, phân tích, thiết kế, lên kế hoạch, thực hiện và đánh giá trong những phạm vi mang tính thay đổi và/hoặc chuyên môn cao.

Các ứng dụng có liên quan đến việc đưa ra những phán đoán quan trọng, có trình độ cao và độc lập trong những chức năng, bao gồm các giai đoạn lên kế hoạch, thiết kế, điều hành, kỹ thuật và quản lý chuyên môn trong những phạm vi mang tính thay đổi và/hoặc chuyên môn cao. Nó có thể bao gồm việc chịu trách nhiệm và đảm trách một số nhiệm vụ có liên quan đến cấu trúc, quản lý và công suất làm việc của những người khác và/hoặc những chức năng khác.

Văn Bằng Tốt Nghiệp Nghề (Vocational Graduate Diploma)

Một số trường đại học cũng tổ chức những khóa Văn Bằng Tốt Nghiệp Nghề.

Khóa học này có liên quan đến việc tự phát triển và đạt được những kiến thức và kỹ năng trong các lãnh vực bao quát hoặc chuyên biệt dựa vào những kiến thức và kỹ năng đã có sẵn.

Chương trình có liên quan đến bề rộng, chiều sâu và sự phức tạp của những chức năng chính mang tính bao quát và/hoặc chuyên môn cao trong các giai đoạn khởi đầu, phân tích, thiết kế, lên kế hoạch, thực hiện và đánh giá trong các phạm vi mang tính thay đổi và/hoặc chuyên môn cao.

Các kỹ năng bao gồm việc đưa ra những phán đoán ở trình độ cao, hoàn toàn độc lập và phức tạp trong những chức năng kỹ thuật và/hoặc quản lý mang tính bao quát và/hoặc chuyên môn cao, bao gồm các giai đoạn lên kế hoạch, thiết kế và điều hành trong các phạm vi mang tính thay đổi và/hoặc chuyên môn cao. Nó có thể bao gồm việc chịu trách nhiệm hoàn toàn và đảm trách một số nhiệm vụ về mọi mặt đối với việc làm của những người khác và những chức năng, bao gồm việc lên kế hoạch, tính toán ngân sách và chiến lược.

Các bằng cấp bậc đại học

Các trường đại học và các cơ sở giáo dục cao đẳng được công nhận tại Úc có các khóa học với các loại bằng cấp sau:

Bằng Phó Cử Nhân – Associate Degree (2 năm)

Bằng Phó Cử Nhân là văn bằng kéo dài 2 năm. Học sinh có thể ghi danh theo học văn bằng này sau khi học sinh hoàn tất lớp 12, hoặc Chứng Chỉ Nghề III hoặc IV. Đây là văn bằng thứ cấp cho phép sinh viên hòan tất trong thời gian ngắn hơn chương trình cử nhân. Với văn bằng này, sinh viên có thể tiếp tục chuyển sang chương trình cử nhân nhằm học hỏi các nguyên tắc và khái niệm một cách chi tiết và chuẩn bị chuyên môn, hoặc tiếp tục chuyển sang chương trình Văn Bằng Chuyên Nghiệp Cao Cấp nhằm học hỏi những kỹ năng chuyên nghiệp. 

Chương trình học liên quan đến những kiến thức cơ bản theo chiều hướng nghiên cứu của một lãnh vực học tập. Nội dung về mặt khái niệm và lý thuyết được hướng dẫn một cách khái quát, thường bao gồm nhiều ngành học và phát triển kỹ năng phổ thông cho những công việc có liên quan đến các ngành này. 

Chương trình Phó Cử Nhân có mở tại các trường đại học, các cơ sở giáo dục cao đẳng tự công nhận và tại các trường cao đẳng và chuyên nghiệp (tư nhân và công lập) hội đủ các điều kiện chuyên biệt.

Bằng Cử Nhân – Bachelor Degree/ Bằng Cử Nhân (Danh Dự) – Bachelor Degree (Honours) (Tối thiểu 3 năm – 4 năm)

Bằng Cử Nhân là văn bằng cơ bản cấp đại học và cũng là văn bằng cơ bản để được xếp vào thành phần chuyên nghiệp. Tuy nhiên, có một số nghề nghiệp đòi hỏi phải có thêm một số bằng cấp chuyên môn phụ thì mới được công nhận.

Chương trình học đòi hỏi học sinh phải thu thập kiến thức một cách có hệ thống và mạch lạc, học hỏi chi tiết các nguyên tắc và các khái niệm cũng như các phương thức giải quyết vấn đề liên hệ. Học sinh sẽ phát triển các khả năng đặt nặng vấn đề lý thuyết và quan điểm để có thể thông hiểu và đánh giá các thông tin, khái niệm và chứng cớ mới từ nhiều nguồn khác nhau.

Ngoài ra học sinh còn phát triển khả năng xem xét lại, củng cố, nới rộng và áp dụng các kiến thức cũng như các kỹ thuật đã học.

Chương trình học thường liên quan đến những môn học chính trong một lãnh vực có sẵn sách vở và tài liệu, và chương trình học cũng giúp học sinh đào sâu vào các đề tài chuyên môn và phát triển đến một trình độ cao hơn, và chuẩn bị cho học sinh tiếp tục theo đuổi việc học ở bậc hậu đại học nếu muốn.

Sau khi đã tốt nghiệp Cử Nhân, học sinh có thể tiếp tục học thêm một năm nữa để lấy Bằng Cử Nhân Danh Dự. Học sinh theo học các khóa học cử nhân kéo dài 4 năm hoặc lâu hơn cũng có thể được cấp Bằng Cử Nhân Danh Dự nếu đạt kết quả xuất sắc trong suốt thời gian theo học.

Chứng Chỉ Sau Ðại Học – Graduate Certificate (6 tháng)

Ðể lấy Chứng Chỉ Sau Ðại Học, thông thường sinh viên phải trau dồi khả năng chuyên môn đã được rèn luyện trong chương trình đại học, hoặc phát triển kiến thức và tay nghề chuyên môn của một ngành nghề khác.

Văn Bằng Sau Ðại Học – Graduate Diploma (12 tháng)

Ðể lấy Văn Bằng Sau Ðại Học, thông thường sinh viên phải trau dồi khả năng chuyên môn đã được rèn luyện trong chương trình đại học, hoặc phát triển kiến thức và tay nghề chuyên môn của một ngành nghề khác. Văn bằng này có thể được mô tả như là một văn bằng dành cho sinh viên có trình độ chuyên môn cao hơn nhờ biết thu thập kiến thức một cách có hệ thống và mạch lạc.

Bằng Thạc Sĩ – Masters Degree (1-2 năm)

Ðể lấy bằng Thạc Sĩ, sinh viên cần phải nâng cao khả năng hoặc nghề nghiệp chuyên môn. Học sinh có thể lấy bằng Thạc Sĩ qua công trình nghiên cứu, hoặc kết hợp giữa việc học và nghiên cứu. Theo lệ thường, chương trình học đòi hỏi sinh viên phải trau dồi kiến thức chuyên môn qua việc tự khảo cứu.

Thời gian học lấy Bằng Thạc Sĩ là một năm cho những học sinh đã tốt nghiệp Bằng Cử Nhân Danh Dự, hoặc 2 năm cho những học sinh chỉ tốt nghiệp Bằng Cử Nhân

Bằng Tiến Sĩ – Doctoral Degree (3 năm)

Bằng Tiến Sĩ là văn bằng cao nhất do các trường đại học tại Úc cấp. Mặc dù đây là văn bằng chuyên về nghiên cứu, một số chương trình tiến sĩ, ngoài công trình nghiên cứu, còn có các môn học kèm theo. Bằng Tiến Sĩ gồm có 3 phần:

  1. Một bản báo cáo về công trình nghiên cứu, thí nghiệm hoặc một phương pháp tiếp cận mới có hệ thống cho một lãnh vực nào đó.
  2. Một công trình nghiên cứu nguyên thủy mà kết quả nghiên cứu đã có sự đóng góp quan trọng về mặt kiến thức và sự hiểu biết và/hoặc ứng dụng của kiến thức này trong một chuyên ngành hoặc một lãnh vực học tập nào đó.
  3. Một luận án có trình tự và đầy đủ chi tiết chứng minh mối liên hệ của công trình nghiên cứu đối với một chuyên ngành hoặc lãnh vực học tập trên một bình diện rộng lớn.