Kinh nghiệm du học London UK

Du học Anh theo Thành phố | Cuộc sống & Nước Anh

Kinh nghiệm du học London UK

16/11/2015 8299 Lượt xem
Nếu bạn là một người đang đắn đo " Có nên chọn thành phố London là điểm đến để học tập hay làm việc hay không?" thì đây chính là bài viết dành cho bạn. Nếu bạn muốn biết thành phố London như thế nào, bài viết sẽ giúp bạn có cái nhìn khác hơn về những điều bạn đã biết qua internet. Mình thích câu nói của thằng người Arab của mình “I am unique” và bài viết của mình cũng là unique, không có bài viết nào giống của mình cả.

Trước khi tới London, mình chỉ biết London là thủ đô của nước Anh với với tháp Bigben nổi tiếng. Thấy đâu cũng có. Thế là mình tò mò. Trước khi sang Anh, London cũng là một trong những lựa chọn hàng đầu của mình để chọn vị trí học. Vì sao ư? Vì mình thích chỗ nào đông vui phố thị, thích một chỗ nào có việc làm thêm nhiều, thích nơi nào có thể giao lưu kết bạn tốt. Tuy không có gì  là hoàn hảo cả nhưng suy cho cùng, đây vẫn là lựa chọn đúng.

London là thành phố rất năng động

Có lẽ là London là thành phố không ngủ. Nhiều lúc mình đi từ tỉnh về, 3 giờ sáng mà một số đoạn đường gần Victoria Coach Station vẫn tắc đường vì xe cab đón khách. Cab ở đây chính là taxi, giống như taxi vàng tại New York. Cab sẽ thường có mầu đen, kiểu dáng rất riêng và được ưu tiên đi vào các làn đường dành cho xe bus. Vì về đêm, nên đã hết tầu điện ngầm (ở đây gọi là Tube, đã có hơn 150 năm lịch sử tại thời điểm 2013), mình bắt xe bus đêm để về nhà. Đây cũng chính là điểm mình thích vì hệ thống xe công cộng cũng thuận tiện, chứ không như các vùng khác. Một là bạn đi bộ về, hai là bắt buộc phải gọi cab, mà cab thì cực kỳ đắt tiền.

Thành phố London về đêmThành phố London về đêm nhìn từ trên cao

Mỗi lần đi cab có khi bằng tiền vé tầu 1 tuần của mình luôn nên mình cũng hạn chế sử dụng. Trừ phi bạn xuống các tỉnh khác, ví dụ như Hertfordshire, dưới đó chỉ có một giá là 3.5 bảng, bất kể đi dài hay ngắn. Lại kể mình đang ở trên xe buýt, hệ thống bus đêm đưa mình rẽ qua các con phố của London, ít ồn ào hơn buổi sáng. Kia rồi Leceicester Square, nơi đây còn biết tới như là địa điểm của các bộ phim bom tấn được trình làng như Thor, Transporter 3, Bourne Ultimatum, The Hobbit: The Unexcepted Jounerny…. Mình chỉ tiếc đợt có Jason Statham tới làm lễ ra mắt của Transporter 3, mình lại bận việc dưới Nottingham nên không lên xin chữ ký của anh ấy được. Quá đáng tiếc. Bạn mình thì không xin chữ ký, mà chỉ selfie thôi. Điều buồn cười là selfie ở đây đã trở thành văn hóa tới mức có một bác cũng cỡ 60 gì đó, xin được chữ ký rồi, vẫn selfie xì tin bình thường, quả thật là hơi shock đối với mình. Hay các chương trình như “Shaun the sheep” và “James Bond: Spectre” đã có buổi công chiếu vừa rồi vào tháng 10/2015 thì không chỉ có các diễn viên nổi tiếng mà cả Hoàng tử William, Công nương Kate và Hoàng tử Harry cũng tới tham dự buổi công chiếu. Bạn không thể đoán được ai đến tham dự đúng không nào?

 

London còn là nơi có nền văn hóa ẩm thực phong phú

Nêu nói tới ẩm thực London, tức là phải nói đến ẩm thực của cư dân sống trong đó. London hiện nay là một siêu thành phố với dân cư khoảng 12 triệu dân, được điều hành bởi hộ đồng thành phố Đại London. Dân cư ở đây là sự pha trộn của người Anh gốc cùng với các lớp người da đen đã định cư tại đây sau giải phóng nô lệ, rồi đến các lớp người từ Châu Á đến từ  Ấn Độ, Bangladesh,…Và hiện nay, sau cuộc khủng hoảng kinh tế tại Châu Âu, toàn bộ dân Châu Âu đang đổ về London để tìm kiếm việc làm. Khi đến đây, các nhóm cư dân này mang văn hóa của mình đến, trong đó, đặc biệt là ẩm thực.

Nếu bạn đã ngán các món của Anh như Fish and Chip, Sunday Roast thì bạn có thể dễ dàng thưởng thức rất nhiều món ăn khác nhau từ rất nhiều nền văn hóa trên thế giới mà không phải đi đâu cả. Mình đã rất mê mẩn món curry ở nhà rồi nhưng sang bên này, cách trường khoảng 10 mét là con phố Brick Lane, trung tâm của cộng đồng người Bangladesh và Ấn Độ tại phía tây London. Tại đây, Thái tử Charles cũng đã dùng bữa tại nhà hàng Aladin trên phố này và thậm chí coi đây là nơi có đồ ăn Ấn ngon nhất tại London. Ngoài curry, bạn có rất nhiều lựa chọn khác như bánh nan ăn kèm với thịt gà tika, masala, …..

Gần đó cũng có một số quán ăn Thái Lan như Mama Thai, của bà chủ quán người Thái Lan lấy một ông người Ấn, quán ăn lúc nào cũng sạch sẽ và ăn rất ngon và đặc biệt giá cả rất phải chăng. Nếu bạn muốn ăn nhanh thì cũng có Subway, hay KFC gần đó. Đi bộ khoảng 10 phút, thì mình hay ra Spitalfields Market có rất nhiều lựa chọn như Mexico, Đài Loan, Mông Cổ, Ý, Wagamama của Nhật. Chỉ sợ bạn không có đủ tiền để lựa chọn hết được thôi. Nếu bạn đồ ăn Nhật, bạn có thể xem qua Yo! Sushi, cũng có rất nhiều offer cho bạn lựa chọn. Thỉnh thoảng, 1 -2 tháng / lần, bạn nên dành tiền để thử đến nhà hàng Michelin thử xem. Ở đó có các món ăn đắt tiền nhưng cực kỳ ngon. Mình highly recommend nhà hàng Gordon Ramsay vì ở đây có cả thực đơn A-la-crate vì mình có thể chọn được nhiều món khác nhau chứ không phải gọi theo set như nhà hàng Pháp truyền thống.

Công việc làm thêm rất nhiều lựa chọn tại London

Mình cũng muốn đi làm để giúp gia đình nên đã tìm việc làm thêm. Khác với các thành phố nhỏ, London có rất nhiều option cho bạn chọn như: bán hàng( saleman/ clerk), phục vụ nhà hàng (waiter), phiên dịch (interpreter), hướng dẫn viên du lịch(tour guide). Nếu bạn có bảng điểm tốt và tiếng Anh khá, nhiều khả năng bạn sẽ xin được  thực tập (internship) tại một công ty tại London. Một số trường đại học như trường mình, GCU London, có tổ chức các khóa nâng cao kỹ năng lãnh đạo. Bọn mình được ghép nhóm với các bạn từ khắp nơi trên thế giới như Saudi Arabi, Đức, Nga, Nigeria, Ghana, Pháp, Trung quốc, Ấn Độ…. để đến các công ty, tập đoàn lớn như Merylych Bank of American, Royal Mail hoặc các doanh nghiệp tư nhân tại địa phương. Tại đó, chúng mình sẽ được giải quyết các vấn đề khó khăn mà công ty đang gặp phải. Nếu thấy tốt, các chủ công ty hoặc bộ phận đó sẽ chủ động mời mình đi làm luôn sau khi tốt nghiệp. Nhưng bạn nên nhớ công việc đó phải trên 20.000 bảng Anh thì công ty đó mới được bảo trợ bạn đi làm. Thêm vào đó, bạn đang phải gặp sự cạnh tranh gay gắt từ các công dân của EU. Theo World Economic Forum, các nhân tài của Châu Âu đang đổ về Anh, Pháp, Đức. Vậy, nếu bạn phải chuẩn bị tâm lý để cạnh tranh với các bạn đó.

 

Gặp gỡ được nhiều bạn bè

Như phần trên mình đã nói, nhờ trường mà mình đã gặp được rất nhiều bạn quốc tế vậy, ngoài ra còn có cách nào khác nữa không? Oh, có chứ. London có rất nhiều bạn lựa chọn. Mình khi sang bên đó sau khi ở với người Việt khoảng hơn 6 tháng thì chuyển qua ở với các bạn quốc tế. Mình tự đi liên hệ thông qua các trang như Flat Share hoặc các buổi meet up để tìm được flat-mate ưng ý. Căn nhà mình sống có 5 người đến từ nhiều quốc gia như Đức gốc Phi, Scotland, Ba Lan, Italia, Úc, Anh(sau này).  Với mỗi nhà, sẽ có một yêu cầu khác nhau để được thành viên của nhà nhưng tựu chung họ đều yêu cầu mình là người ngăn nắp, sạch sẽ, dùng xong đồ gì là phải dọn ngay. Hầu như các nhà đều có cleaning rota (lịch trực nhật) để mọi người dọn dẹp, lau dọn nhà cửa, nhà tắm. Có nhà sẽ có luật cũng khá thú vị như cuối tuần, nếu bạn là người mới vào nhà, bạn sẽ chịu trách nhiệm mua pizza cho cả nhà vào mỗi tối thứ 7 cho tới khi nào người mới vào nhà; hoặc cuối tuần, tất cả sẽ tụ tập vào nấu nướng và xem tivi cùng với nhau. Mỗi tuần sẽ là món ăn của một nước khác nhau (tin mình đi, món ăn Việt Nam rất ngon và heathier so với một số nước khác đấy). Các bạn phải lưu ý là nếu ở với các bạn nước ngoài, giá cả cũng khá cao, khoảng £700/ tháng/phòng double có thể chưa bao gồm điện nước. Nếu ở với người Việt thì rẻ hơn, sẽ chỉ khoảng £500/ tháng/phòng double.

Ngoài ra, còn một kênh nữa mà mình hay sử dụng, đó là âm nhạc. Mình thích nhạc cổ điển, đặc biệt là piano và violin. Tình cờ hôm đó, mình đứng lại nghe người ta đang quây quần chơi đàn piano miễn phí (dự án Play me! I’m Yours!) của một hành khách đang đợi tầu. Thế là mình bắt chuyện được với một anh Fabio Tedde, một pianist thực thụ và cũng là nhà đồng sáng lập ra London Piano Society. Nhờ đó, mình đã gặp được rất nhiều người bạn hơn tuổi mình và họ rất tốt. Có một anh trong nhóm, tên là Angelo Panagos, rất hay. Anh này sáng vẫn làm 8 tiếng ở một công ty quảng cáo. Chiều về, lúc nào cũng mang theo một cây đàn đi trên các chuyến tube để hát cho mọi người nghe. Angelo hát cực kỳ hay, mình đã từng hỏi ” Tại sao anh không chuyển hẳn sang đi hát đi, như vậy anh cũng kiếm được nhiều tiền mà?”. Anh ấy chỉ cười và bảo ” Anh chỉ đi hát đi mang lại nụ cười cho mọi người thôi”. Nếu bạn có đến London chơi mà đang đi tube thì rất có thể bạn sẽ gặp anh ấy đấy. Chỉ cần chào anh ấy một câu và nói chuyện, anh ấy sẽ tặng bạn một bài hát đó.

Có hôm, sau khi kết thúc buổi Piano hàng tuần tại Regent Park, cả nhóm đã đi chơi, chụp ảnh, uống café, đàn hát. Buổi tối, mình ăn tối tại nhà 1 người trong nhóm rồi về nhà chị người Nga chơi. Mình đã quá đỗi ngạc nhiên khi chị có hẳn cả 1 chiếc đàn piano ở trong phòng. It’s so cool. Bọn mình chơi nhạc cho tới sáng rồi ai mới về nhà người đấy. Cho tới giờ, đó vẫn là kỷ niêm đẹp nhất của mình khi ở London. Vậy nên, lời khuyên của mình là, nếu bạn thích nhạc cụ gì thì hãy học nhạc cụ đó, sẽ có lúc bạn cần dùng tới nó. Âm nhạc cũng là một ngôn ngữ, nhiều khi cũng không cần phải nói nhiều đâu, chỉ cần một tâm hồn đồng điệu cũng nói lên tất cả rồi.

 

Giao lưu và học hỏi được nhiều nền văn hóa

Khi giao lưu với các bạn quốc tế, mình cũng hiểu hơn về văn hóa các nước như nếu gặp người Đạo Hồi, bạn không bao giờ được bắt tay người ta bằng tay trái, nếu như vậy, có nghĩa là bạn đang sỷ nhục người ta đấy. Hay với người Châu Âu nói chung, đặc biệt là người Anh, họ luôn có một khoảng cách vô hình khoảng 30 cm, bạn nên giữ khoảng cách như vậy để tránh trường hợp người ta thấy không thoải mái. Hay giáo viên bên này, thường dùng tên riêng (first name) để trao đổi với sinh viên. Có lẽ vì vậy mà mình thấy gần gũi hơn. Đặc biệt, họ rất nhiệt tình nếu như bạn có câu hỏi gì thắc mắc. Người Anh họ đi rất nhanh, cực kỳ nhanh. Có lẽ văn hóa họ vậy, nhiều khi họ đi 2 bước mình phải đi 3 bước mới đuổi kịp. Nhưng khi cần sự giúp đỡ, họ giúp rất nhiệt tình. Thậm chí mình bị lạc ở dưới Doncaster, ông chủ sợ mình bị lạc sau khi chỉ đường đã ngỏ ý lấy xe đưa mình đến tận nơi. Các bạn Trung quốc rất tốt, lành, nhìn chung học cũng khá. Lúc đầu mình cũng có chút thành kiến với các bạn ấy nhưng có vẻ các bạn cũng bị thông tin nhà nước bưng bít nên hiểu nhầm thôi. Vậy nên đừng thành kiến với các bạn Trung quốc nhé.

 

Lời kết  

Du học là một quyết định quan trọng. Hi vọng với một chút chia sẻ của mình qua bài viết này, có thể giúp được các bạn đang có ý định đi học tại nước ngoài, nhất là London có một cái nhìn khác hơn. Tuy chi phí cơ hội bỏ ra cao hơn so với các vùng khác nhưng cái được cũng rất nhiều như được gặp gỡ bạn bè mới, đi làm thêm nhiều chỗ hơn, được thực tập ở các tập đoàn lớn dễ dàng và nhiều cơ hội hơn. Ngược lại, giá cả ở đây thực sự là đắt đỏ, nhất là giá nhà có khi gấp đôi so với các thành phố khác. Giờ cơ hội nằm ở trong tay của bạn chứ không phải ai khác. Hãy cân nhắc và đưa ra quyết định khôn ngoan. Chúc bạn thành công!

Dzung Vu