Kinh nghiệm của nữ sinh trúng tuyển tất cả công ty 'Big 4' ở Canada

Việc làm & Định cư Canada | Tổng quan Du học Canada

Kinh nghiệm của nữ sinh trúng tuyển tất cả công ty 'Big 4' ở Canada

26/11/2022 64 Lượt xem
Trúng tuyển bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới ở Canada, Mai Linh cho rằng cần chuẩn bị sớm về điểm số, hoạt động ngoại khóa cũng như kỹ năng làm việc.

Nguyễn Mai Linh, sinh năm 2001, là cựu học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định. Linh đang học năm cuối chuyên ngành Kế toán Tài chính tại University of Calgary (top 8 đại học tốt nhất Canada năm 2022 theo bảng xếp hạng THE) và dự kiến tốt nghiệp vào cuối năm nay. Tuy nhiên, tháng 10 vừa qua, Linh đã nhận được lời mời làm việc toàn thời gian từ tất cả công ty "Big 4" (bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, gồm EY, Deloitte, PwC, KPMG) tại Canada.

Linh chia sẻ bốn kinh nghiệm khi ứng tuyển vào các công ty này, ở cả vị trí thực tập sinh và làm việc toàn thời gian.

1. Điểm trung bình học tập từ 3.5/4 trở lên

Theo Mai Linh, với các ứng viên chưa tốt nghiệp đại học, điểm số là chi tiết quan trọng trong bộ hồ sơ để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng ngành Kiểm toán. Kế toán - Kiểm toán là công việc đòi hỏi tính chuyên môn cao, kiến thức học trên trường quan trọng khi đi làm. Điểm trung bình học tập (GPA) cũng phần nào phản ánh khả năng làm việc và năng lực theo học CPA (Chartered Professional Accountants – Điều lệ Kế toán chuyên nghiệp) của các ứng viên sau này.

Các công ty "Big 4" ở Canada tài trợ 100% tiền học phí, phí thi và các nguồn tài liệu cho chứng chỉ CPA. "Họ muốn bảo đảm là họ tuyển được những sinh viên có năng lực học ổn để tiết kiệm phí thi lại CPA", Linh nói.

Tùy vào mức độ cạnh tranh của công ty và thứ hạng của trường đại học mà ứng viên theo học, theo Linh, điểm GPA nên từ 3.5/4, riêng các môn kế toán từ 3.7/4 trở lên.

2. Tích cực hoạt động ngoại khoá

Điểm số quan trọng nhưng không phải tất cả. Linh từng biết có những bạn người Canada đạt điểm GPA khoảng 3/4 ở một đại học top 10 mà vẫn đậu vào các công ty "Big 4".

"Kỹ năng xã hội (như giao tiếp, sự tự tin, khả năng phục vụ khách hàng) là ưu điểm lớn giúp phân biệt các ứng viên", Linh nói, cho biết công việc ở "Big 4" đòi hỏi nhân viên phải giao tiếp, làm việc nhóm và tiếp xúc với khách hàng nhiều. Đó là nguyên nhân một số du học sinh Việt Nam chưa thành công khi đi xin việc dù học rất giỏi.

Mai Linh tại công viên tượng đài Trần Hưng Đạo, Nam Định, hồi tháng 9/2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mai Linh tại công viên tượng đài Trần Hưng Đạo, Nam Định, hồi tháng 9/2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với sinh viên chưa từng đi làm như Linh, rất khó có được vị trí thực tập sinh hay công việc chính thức vì nhà tuyển dụng luôn yêu cầu kinh nghiệm làm việc. Linh cho rằng nhờ việc tham gia hoạt động khai thuế thiện nguyện, tham gia câu lạc bộ kế toán và các cuộc thi trong lĩnh vực này ở trường đã giúp bộ hồ sơ của cô đẹp hơn. Những kỹ năng mà em học được từ các hoạt động ngoại khoá đều là "Transferable skills" - kỹ năng có thể sử dụng ở nhiều công ty, vai trò khác nhau. Tuy nhiên, du học sinh nên cân bằng việc học với hoạt động ngoại khóa và làm thêm, để giữ sức khỏe đi đường dài.

3. Mạnh dạn ứng tuyển

Du học sinh nên mạnh dạn ứng tuyển vào các công ty kiểm toán quy mô lớn, trung bình và nhỏ, bất kể công ty mình thích hay không thích, để tích lũy kinh nghiệm ứng tuyển và trau dồi kỹ năng phỏng vấn.

Linh cho hay, các công ty "Big 4" thường tuyển dụng hai lần trong năm. Du học sinh có thể ứng tuyển chương trình thực tập hè hoặc co-op (một chương trình học kết hợp giữa các kỳ học thông thường và một kỳ thực tập chính thức có trả lương) ngay từ khi là sinh viên năm thứ hai, thứ ba. Nếu thất bại ở lần đầu, ứng viên có thời gian cải thiện bản thân để nộp đơn ở lần tuyển sau.

Để nổi bật trong mắt nhà tuyển dụng, theo Linh, ứng viên cần chuẩn bị hồ sơ, thư giới thiệu và câu hỏi phỏng vấn kỹ từ sớm. Du học sinh có thể nhờ sự trợ giúp từ cố vấn nghề nghiệp ở trường đại học của mình.

4. Thể hiện được nhiều kỹ năng ở các vòng phỏng vấn

Mai Linh cho biết, quy trình tuyển dụng của các công ty kiểm toán ở Canada thường gồm 2 vòng chính là vòng hồ sơ và vòng phỏng vấn. Vòng 1 là vòng sơ khảo để bộ phận nhân sự (HR) lọc hồ sơ, tìm hiểu con người, kỹ năng của ứng viên. Sau khi vượt qua vòng này, ứng viên sẽ được HR gọi đặt lịch phỏng vấn vòng 2. Bạn có thể được phỏng vấn bởi quản lý cao cấp, hoặc sếp cao nhất, tuỳ công ty.

Vì vậy, ứng viên hãy chuẩn bị trước phần trả lời cho những câu hỏi cơ bản như: Bạn là ai? Tại sao lại muốn làm việc với chúng tôi? Tại sao bạn chọn Kế toán/ Kiểm toán? Tại sao cần chứng chỉ CPA? Mục tiêu/ước mơ của bạn là gì? Công ty của chúng tôi có thể giúp bạn hiện thực hóa chúng như thế nào? Động lực, giá trị cốt lõi lớn nhất của bạn là gì? Tại sao chúng tôi chọn bạn mà không phải người khác?.

Theo Linh, ứng viên nên luyện tập thường xuyên để tự tin hơn khi bước vào vòng phỏng vấn chính thức. Và đừng quên, các công ty "Big 4" khuyến khích thí sinh "Be yourself", nghĩa là chính mình, không giả tạo.

Đặc biệt, "Behavioral questions" (các câu hỏi hành vi) sẽ luôn xuất hiện trong cuộc phỏng vấn để đánh giá kinh nghiệm, cách xử lý tình huống, tính cách và điều ứng viên học được (bài học) sau những trải nghiệm. Đây là lúc du học sinh áp dụng những kinh nghiệm đã tích lũy được khi đi tình nguyện, đi sự kiện, tham gia các hoạt động ngoại khóa nếu chưa có kinh nghiệm làm việc thực tế. Hãy chuẩn bị vài câu trả lời cơ bản theo mô hình STAR (tình huống, nhiệm vụ, hành động, kết quả), có thể áp dụng cho nhiều câu hỏi khác nhau.

Ngoài ra, ứng viên cần cố gắng lồng ghép nhiều kỹ năng, điểm mạnh mình có vào một câu trả lời (tạo thành một nhóm kỹ năng liên quan tới nhau). Những nhóm kỹ năng mà các công ty đánh giá cao nhất, gồm: Khả năng giao tiếp, thuyết phục, xử lý vấn đề, kỹ năng chăm sóc, lắng nghe, làm việc với khách hàng; Kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết mâu thuẫn; Khả năng quản lý thời gian, năng lực sắp xếp, tổ chức công việc; Kỹ năng giải quyết căng thẳng áp lực; Chăm chỉ, kiên nhẫn, cẩn thận và đạo đức nghề nghiệp tốt; Tư duy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Ham học hỏi.

Các ứng viên ngành Kiểm toán còn nên trang bị kỹ năng sử dụng Microsoft Office (Excel), Phần mềm kế toán (Quickbooks, Wave), Phần mềm thuế (Ufile, Netfile, Profile).

Mai Linh cho rằng, nếu du học sinh đặt mục tiêu, chuẩn bị từ sớm một cách có lộ trình và đầy đủ, việc "giành vé" thực tập, làm việc tại "Big 4" là hoàn toàn có thể. "Thành công luôn dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm nỗ lực, kỹ năng, sự chuẩn bị kỹ lưỡng và cả sự may mắn", Linh nói.

Trích nguồn: Vnexpress  

Hannah Nguyen