Phần II: 4 bí quyết du học thạc sỹ Anh thú vị và tiết kiệm chỉ với 200 triệu đồng
Phần II: 4 bí quyết du học thạc sỹ Anh thú vị và tiết kiệm chỉ với 200 triệu đồng
Bài viết này thuộc Series: Du học Thạc sỹ tại Anh chỉ với 200 triệu
Khái niệm du học những năm gần đây thật sự khác với quan niệm du học nhiều năm về trước. Nếu như trước kia, một quyết định du học có thể mất nhiều năm và có nhiều trở ngại về mặt thông tin, thậm chí có cả quan niệm chỉ những ai học rất giỏi thì mới có thể đi du học. Ngày nay, tư tưởng đó đã được thay thế bằng một thực tế rằng: Bất kì ai cũng có thể du học. Bởi du học thời hiện đại rất đa dạng, từ trường học, ngành học đến các bậc học. Và nếu bạn có trở ngại về tài chính thì cũng có nhiều học bổng sẵn sàng chờ bạn rinh về. Vì thế, cơ hội đều nằm trong tay bạn cả. Du học hiện này dành cho tất cả chúng ta, những ai biết nắm bắt cơ hội và không ngừng cố gắng.
Học lực khá và không quá nổi bật nhưng trên tất cả mình có đam mê học tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung, mình đã không ngần ngại thực hiện kế hoạch du học thạc sỹ Anh. Dưới đây là một số cách mà mình đã áp dụng và kết quả thực sự làm mình thỏa mãn và cực kỳ tâm đắc sau 1,5 năm học tập và trải nghiệm môi trường mới tại xứ sở sương mù.
1. Chọn những trường có học phí vừa phải
Khi đi du học ai cũng muốn được học trong một ngôi trường chất lượng nhất nhưng kèm theo đó các bạn sẽ phải chi trả một khoản học phí khá lớn. Nếu tài chính của bạn có hạn thì tốt nhất trước khi chọn trường các bạn phải tìm hiểu thật kỹ thông tin về học phí. Nói như thế không có nghĩa là cứ trường nào có học phí rẻ nhất là chọn mà bạn cũng phải xét toàn diện, tìm hiểu kỹ lưỡng để đưa ra quyết định phù hợp với năng lực cũng như khả năng tài chính của gia đình. Các bạn có thể tham khảo danh sách các trường có chi phí thấp tại đây.
Ở Anh hay ở bất kỳ nước nào trên thế giới, trường có chi phí thấp hơn không đồng nghĩa với chất lượng giảng dạy hay các thước đo tiêu chuẩn khác. Cùng tìm hiểu về cơ chế hoạt động của hệ thống giáo dục Anh để có những quyết định học tập sáng suốt bạn nhé!
Để được phép cấp bằng, các trường cao đẳng và đại học tại Vương quốc Anh phải thể hiện cam kết chất lượng và chứng tỏ mình có hệ thống vững chắc, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng học thuật. Quyền cấp bằng được quyết định bởi Hiến chương Hoàng Gia, Quy định Quốc hội hoặc Viện Cơ mật (Privy Council). Tất cả các trường đại học và một số cơ sở giáo dục sau đại học ở Anh được công nhận là có quyền cấp bằng đại học cho sinh viên. Bạn có thể tìm thấy danh sách tất cả các trường được phép cấp bằng tại Anh (recognised bodies) trên trang web https://www.gov.uk/recognised-uk-degrees.
Các trường đại học của Anh hoạt động theo cơ chế tự quản, với đầy đủ nghĩa vụ pháp lý trong việc đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn cho chương trình và chứng chỉ mà họ cấp. Tất cả các trường đại học đều có hệ thống đảm bảo chất lượng, bao gồm một hệ thống thanh tra độc lập từ bên ngoài.
Cục Quản lý chất lượng giáo dục đại học (QAA) là tổ chức được thành lập và cấp kinh phí hoạt động bởi Khối Giáo dục Đại học Vương quốc Anh. Cơ quan này có nhiệm vụ kiểm tra việc đảm bảo chất lượng của các trường cao đẳng và đại học trong lãnh thổ Vương quốc Anh.
QAA cũng thường xuyên thanh tra các trường 5-6 năm 1 lần, tư vấn giúp các trường phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng. Bạn có thể tìm đọc các báo cáo thanh tra chất lượng của QAA đối với từng trường tại www.qaa.ac.uk.
2. Chọn khu vực có chi phí sinh hoạt vừa phải
Hãy luôn nhớ rằng những thành phố lớn sẽ rất sôi động và hấp dẫn tuy nhiên việc học tập và sinh hoạt tại đó sẽ tiêu ngốn của bạn một khoản đáng kể. Học phí, chi phí thuê nhà và các chi phí sinh hoạt khác nữa sẽ gây khó khăn cho bạn trong việc tiết kiệm, hãy nhớ rẳng mình chỉ có một ngân sách giới hạn cho kế hoạch này thôi. Lời khuyên của mình là hãy chọn các trường ở các khu vực có chi phí thấp đề phù hợp với tài chính mà vẫn đáp ứng được các tiêu chí riêng của bản thân. Hãy luôn nhớ rằng, dù bạn có ở thành phố nào ở nước Anh thì bạn đều được hưởng lợi ích và sự thuận tiện như nhau, từ sự đa dạng về đồ ăn thức uống cho đến việc giao thông thuận lợi, chưa kể đến sự thân thiện từ người dân địa phương. Bạn sẽ luôn được hưởng những đặc quyền mà tấm thẻ sinh viên dành cho bạn từ việc giảm giá tới 30% cho việc đi lại bằng tàu, xe khách và bus, cho phép bạn di chuyển dễ dàng và nhanh chóng đến các thành phố lớn như London, Birmingham, Manchester, etc. Thông tin chi phí sinh hoạt tham khảo: ở các thành phố nhỏ và có chi phí sinh hoạt vừa phải bạn có thể cần chi trả khoảng 350 đến 400 GBP/ tháng, trong khi chi phí sinh hoạt ở các thành phố lớn như London có thể lên đến 1000 GBP/tháng.
3. Săn học bổng
Hãy nhớ rằng săn học bổng không khó như bạn vẫn nghĩ. Có rất nhiều trường đưa ra các suất học bổng từ 10% đến 100% cho những suất đăng ký sớm. Vì thế việc gửi hồ sơ và đăng ký thi học bổng sẽ chỉ dành cho những ai nhanh và có kế hoạch tốt thôi nhé. Các khóa học có chi phí hợp lý với những ai có giới hạn về ngân sách có thể dễ dàng nhận được các suất học bổng 20%. Lựa chọn một trường có học phí khoảng 11000 GBP và học bổng tối thiểu là 2000 GBP sẽ giảm thiểu được phần nào chi phí, 900 GBP/khóa học thạc sỹ sẽ là một khoản đầu tư không tồi phải không nào. Các bạn hãy nhớ, học bổng và đăng ký sớm sẽ là 2 từ khóa cần ghi nhớ để thực hiện bước đi du học tiết kiệm tiếp theo nhé!
4. Làm thêm
Đây là một phần gần như quan trọng thứ hai sau việc săn học bổng. Đối với những bạn du học ở bậc sau đại học, làm thêm gần như là điều mà chắc hẳn ai cũng quan tâm. Đi du học không chỉ là đi học đơn thuần, trên tất cả, nó là trải nghiệm của mỗi chúng ta khi bắt đầu sống và trải nghiệm một môi trường mới. Việc học sẽ giúp chúng ta tiếp thu kiến thức mới nhưng không thể giúp chúng ta có thêm được các kỹ năng sống khác mà việc đi làm thêm mới có thể mang lại. Đừng lo ngại làm thêm sẽ ảnh hưởng hay khiến bạn sao nhãng việc học. Qúa trình làm thêm sẽ hỗ trợ khả năng ngoại ngữ, giúp bạn rất nhiều trong việc nghe giảng, giao lưu và thảo luận với các bạn cùng lớp đấy. Ở Anh, bạn sẽ chỉ được phép đi làm 20h/ tuần, tức là bạn có thể đi làm 3 buổi/tuần và sẽ được làm toàn thời gian vào các đợt nghỉ. Mức lương cơ bản là từ 7 đến 8 bảng Anh/1 giờ. Mỗi tháng bạn sẽ có thu nhập từ 560 đến 640 bảng, số tiền này hoàn toàn có thể chi trả cho phí thuê nhà và sinh hoạt hàng ngày, chưa kể đến số tiền có thể lên đến gấp đôi vào các đợt nghỉ hè và nghỉ Phục sinh.
Vậy thì sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên Việt Nam có thể đi làm ở đâu?
Các bạn có thể đi làm ở các nhà hàng Trung Quốc, nơi mà các ban có thể tìm thấy sự khá tương đồng về ẩm thực Á Đông cũng như văn hóa phương Đông, các chủ nhà hàng cũng sẽ rất vui nếu bạn có mong muốn đi làm tại đây và sẽ cho bạn cơ hội nếu bạn thực sự yêu thích và thể hiện được sự chăm chỉ.
Bạn là một người tự tin với khả năng Tiếng Anh của bản thân thì hãy tìm một công việc năng động hơn và đòi hỏi khả năng ngoại ngữ tốt, như là tham gia vào đội quân Cashier tại một số chuỗi siêu thị phổ biến tại Anh như Tesco, Lidle, Aldi hay Morrisons. Đừng nghĩ là bạn không thể làm việc tại những chuỗi siêu thị nổi tiếng này, thay vào đó hãy vào website và nộp đơn ngay các vị trí còn trống và đợi lịch phỏng vấn. Nên nhớ rằng ở Anh các công việc làm theo ca luôn luôn và sẵn sàng chờ bạn nộp đơn ứng tuyển. Họ luôn luôn cần nhân sự.
Bạn thích café và thích một môi trường năng động mà lại cực thân thiện, hãy tìm cơ hội để nộp hồ sơ vào các vị trí Barista tại Starbuck hay Costa, 2 tiệm café phổ biến nhất và có mặt ở hầu hết các con phố High Street nào tại Anh. Đây cũng là lựa chọn làm thêm phổ biến cho các bạn sinh viên, đặc biệt là sinh viên của trường đại học thuộc thành phố đó. Hãy tưởng tượng, ngoài việc nhận được 1 bằng thạc sỹ, bạn lại kiếm cho mình một chứng chỉ pha chế café tại Châu Âu, còn gì tuyệt hơn chứ.
Zara, H&M, Topshop, River Island hay Primark là những cửa hàng thời trang phổ biến tại Anh nơi mà bạn cũng có thể rất dễ dàng để nộp hồ sơ làm thêm. Bạn cần có đam mê thời trang và kỹ năng bán hàng được nêu bật trong CV là bạn có thể chinh phục được nhà tuyển dụng tại đây rồi.
Hãy luôn ghi nhớ rằng, công việc sẽ khó nếu mình chưa bắt tay vào việc chinh phục nó. Hãy bắt đầu từ những việc đơn giản nhất là làm việc tại nhà hàng, sau đó các công việc sau sẽ dễ dàng hơn với bạn.
Chúc các bạn thành công và có những trải nghiệm du học thật thú vị tại Anh.
Cùng chuyên mục
Bài trước trong series
Bài kế tiếp trong series
Phần III: Du học Thạc Sỹ tại Anh - Định hướng lại ngành nghề, tại sao không?